EN
JP
Chúc mừng năm mới
Tin hoạt động CUSC
 
Sinh viên CUSC đạt giải Công nghệ cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính
 

Tối 25/3 tại Nhà Văn hóa Lao động TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP - Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết trao giải cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính 2012 - hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện mang tính khởi động, phụ trợ cho mùa Lễ hội thi tài trình diễn Pháo hoa quốc tế (DIFC 2012 - Sắc màu Đà Nẵng).


Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng ông Phùng Tấn Viết (bên trái ảnh) , Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, Trường Ban Tổ chức cuộc thi, ông Phạm Kim Sơn trao giải Nhì cuộc thi 2012 cho tác giả Nguyễn Tuấn Anh - HS lớp 9 trường THCS Nguyễn Huệ, TP Đà Nẵng. Đây cũng là tác giả trẻ tuổi nhất của cuộc thi 2012. - ảnh Trần Ngọc 

Như ictdanang đã từng thông tin đến độc giả, cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính 2012 đã bước sang năm thứ II và lần nầy sức hấp dẫn, lan tỏa đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng IT trẻ đã càng mạnh mẽ hơn, lôi cuốn hơn. Quy mô một cuộc thi, ban đầu chỉ trong phạm vi TP Đà Nẵng và một vài cộng đồng IT ở các trường Đại học, nay, đã lan tỏa và tìm được sự cộng hưởng đối với các bạn trẻ đam mê tin học trên cả nước.

Ông Phạm Kim Sơn-Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi. -ảnh: T.Ng

Theo tổng kết của Ban Tổ chức, tổng cộng có đến 74 tác giả ở khắp mọi miền đất nước chính thức đến với cuộc thi qua 23 tác phẩm.

Ông Phạm Kim Sơn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nhìn nhận:

"So với năm đầu tiên, các tác phẩm năm nay được gia công chuẩn bị kỹ càng hơn ở lời bình và nhạc nền.

Phần lời bình của các tác phẩm, lời văn và ý tứ đều được viết và sửa đi-sửa lại nhiều lần nên giàu tính biểu cảm, sâu sắc và giàu hình tượng.

Chính vì vậy các trường đoạn trình diễn hình ảnh pháo hoa xuất hiện đến đâu, lời bình và nhạc song hành, tạo nên sự hoàn chỉnh của tổng thể tác phẩm và đã tạo được độ rung về cảm xúc.

Các tác phẩm cũng cho thấy sự phong phú về góc nhìn đối với các màn trình diễn pháo hoa. Đây là minh chứng sinh động cho thành công vang dội của Lễ hội Pháo hoa DIFC - một thương hiệu du lịch đặc thù - của TP Đà Nẵng. Cuộc thi đã không chỉ lôi cuốn mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân thành phố.

Đặc biệt đối với các bạn trẻ say mê khoa học máy tính, mỗi lần diễn ra DIFC, là mỗi lần các bạn thu vào tầm mắt mình những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc, để rồi, bằng khả năng sáng tạo của mình, các bạn đã tái hiện lại bằng một màn trình diễn pháo hoa trên máy tính.

Và để chủ đề tư tưởng của mình "bừng lên", các bạn đã biết mở rộng hợp lý và thay đổi đầy sáng tạo góc bắn, tầm bắn, tần suất bắn ở không gian thi tài.

Do vậy, vào thời điểm trên, cả một quãng sông Hàn của thành phố chúng ta đã trở nên lung linh, huyền ảo và rực rỡ bởi vũ điệu sắc màu pháo hoa.

Điều làm chúng tôi và sau đó là Hội đồng Giám khảo cuộc thi hết sức bất ngờ đó tính nghiêm túc, sự đầu tư công phu của người dự thi vào đứa con tinh thần của mình.

Nhiều tác phẩm khi trình chiếu phục vụ chấm chung; đánh giá chung đều được nhận xét "Y như thật".

Cùng với cuộc thi trình diễn Pháo hoa quốc tế diễn ra bên bờ sông Hàn, cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính đã góp phần làm nên một bản sắc văn hóa và sáng tạo công nghệ mang thương hiệu riêng: thương hiệu của một Đà Nẵng "Trẻ trung - Năng động", "TP của những con người dám nghĩ - dám làm".


Một tác phẩm dự thi và đoạt giải thưởng 2012.(T.Ngọc chụp lại màn hình)  

BTC cuộc thi đã nhận được 23 tác phẩm dự thi của của 23 tác giả/Nhóm tác giả. Trong đó, có 7 cá nhân gửi 7 tác phẩm dự thi và 16 tác phẩm dự thi khác của nhóm tác giả. So với năm đầu tiên, về số lượng, cuộc thi đã tăng lên thêm 4 tác phẩm.

Đặc biệt nhất : có 3/23 sản phẩm được các tác giả tự lập trình.
20 sản phẩm còn lại được xây dựng từ các công cụ phần mềm mô phỏng pháo hoa và kỹ thuật đồ họa như Finale Firework, AfterGlow, FWSim, ShowSim 3D, Adobe After Effect CS5, Corel Video Studio Pro X4, Sound Editor Deluxe 6.0.1, CyberLink PowerDirector 10 ...

Trong đêm tổng kết, Ban Tổ chức đã công bố quyết định của Hội đồng Giám khảo vinh danh 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi, đạt điểm cao nhất trên tất cả 4 tiêu chí: Tính hoàn thiện - Tính sáng tạo - Tính thẩm mỹ và Tính Công nghệ .

Đại diện Cơ quan ĐD Bộ Thông tin và Truyền thông tại Đà Nẵng và Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP trao các Giải Khuyến khích cho các tác giả và đại diện nhóm tác giả. - ảnh: T.Ngọc

4 giải khuyến khích, gồm 1 giải SÁNG TẠO và 3 giải CÔNG NGHỆ cho
Giải Sáng tạo: Lê Phúc Quang Trí, thành phố Hồ Chí Minh với sản phẩm "Đà Nẵng - Giai điệu anh hùng".
Giải Công nghệ: 
- Nguyễn Anh Chiến, Sinh viên Khoa CNTT - Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với sản phẩm "Huyền diệu Đà Nẵng".
- Nhóm tác giả: Huỳnh Tam Giang, Ngô Trần Thảo Nguyên, Lâm Quốc Thái, Phạm Trần Thanh Tân, thuộc Trung tâm Công nghệ phần mềm - Đại học Cần Thơ, với tác phẩm "Hoa đêm".
- Nhóm tác giả: Trần Thị Băng Châu, Nguyễn Phước Nhật Quang, Võ Thanh Bình, Trần Văn Trung, Trần Anh Chương, là sinh viên Đại học Duy Tân, với sản phẩm "Đà Nẵng - Những câu chuyện cổ tích thần tiên!".
Các tác giả được tặng Giấy khen của Sở TT & TT Đà Nẵng, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi kèm theo tiền thưởng 3 triệu đồng/mỗi giải

3 giải Ba
- Hồ Thương Tín, Huỳnh Văn Hiếu, Lê Duy Tùng, Đoàn Mạnh Tường, học viên Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Softech-Aptech Đà Nẵng với sản phẩm "Thành phố sắc màu".
- Nhóm tác giả: Nguyễn Anh Hải, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Tuấn, Vương Minh Phương, Trần Bảo Ngọc, Đào Văn Thịnh, thuộc Học viện CNTT Quốc tế NIIT Thăng Long, Hà Nội với sản phẩm "Ánh sao Sơn Trà".
- Nhóm tác giả: Đinh Tiến Thuận, Phan Tiến Vũ, Trần Dũng Khánh, Phan Lê Thân, Trần Minh Quyền, Lê Thị Nhị Hà, Trần Phi Long, sinh viên Đại học FPT, cơ sở Đà Nẵng với sản phẩm "Dòng chảy sắc màu".
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải 3 của cuộc thi sẽ được nhận Bằng khen của UBND TP, Giấy chứng nhận của Ban tổ chức cuộc thi và tiền thưởng là 5 triệu đồng/mỗi giải, kèm theo một máy in HP do công ty cổ phần hệ thống thông tin FPT trao tặng.

Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng anh Lương Nguyễn Minh Triết và Lãnh đạo Sở TT & TT TP trao giải Ba cho các nhóm tác giả. - ảnh: Trần Ngọc

Giải Nhì cũng là giải thưởng cao nhất của cuộc thi năm nay, được trao cho tác giả Nguyễn Tuấn Anh, học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng với sản phẩm "Vinh quang nhịp sống thành phố".

Tác giả Nguyễn Tuấn Anh được tặng Bằng khen của UBNDTP Đà Nẵng, Giấy chứng nhận của BTC cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2012, số tiền thưởng 10 triệu đồng và 1 bộ máy tính để bàn do công ty cổ phần công nghệ DTT trao tặng.

Ban Tổ chức cũng đã trao các suất học bổng cho một số tác giả tham gia cuộc thi.

Tác giả Nguyễn Anh Chiến-Sinh viên khoa CNTT, ĐH Bách khoa Đà Nẵng với tác phẩm "Huyền diệu Đà Nẵng" đâ nhận được một suất học bổng "Chuyên viên mạng máy tính" do Trung tâm điện toán truyền số liệu KV3 tài trợ.

Nhóm tác giả của các sản phẩm "Dòng chảy sắc màu" đến từ ĐH FPT, cơ sở Đà Nẵng và "Đà Nẵng câu chuyện cổ tích thần tiên" đến từ ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã nhận được 2 suất học bổng chương trình Arena trị giá 24 triệu đồng/suất do công ty cổ phần Softech tài trợ.

Diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm Tháng Thanh niên và Sinh nhật, Lễ tổng kết trao giải cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính 2012 đầy trẻ trung và sôi động. Hầu hết các bạn trẻ đến xem cổ vũ cho những người đăng quang đã ngồi lại đến phút cuối của chương trình. -ảnh: Trẩn Ngọc

Trưởng Ban Tổ chức, ông Phạm Kim Sơn chia sẻ:

Chúng tôi biết rằng, bên cạnh niềm vui, những cảm xúc thăng hoa của người chiến thắng; có cả nỗi buồn của người chưa chạm được đích đến.

Tuy nhiên theo chúng tôi, những người tổ chức cuộc thi này, tất cả các thí sinh đều là người chiến thắng.

Bởi chính các bạn đều đã vượt qua được những giới hạn về khả năng, về trí tưởng tượng của chính mình, của điều kiện khách quan.

Đặc biệt, các bạn đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm, suy nghĩ và niềm tự hào của mình về một Đà Nẵng "Xưa - Anh hùng trong chiến đấu giành lại Độc lập, Tự do; Nay - Anh hùng trong sự nghiệp đổi mới" qua một tác phẩm trình diễn có giới hạn về thời gian biểu đạt - biểu cảm.

Những việc trên không phải ai cũng làm được và cũng không phải ai ai cũng biết cách thức bày tỏ tình cảm, suy nghĩ và niềm tự hào của mình làm sao và như thế nào để mọi người chấp nhận, tìm được sự đồng điệu chung và gật đầu tán thưởng.

Các bạn đã làm được và các bạn đều là người chiến thắng.

Theo ICTDanang

 

Các tin liên quan
Tin tức & Sự kiện
 
Thực hiện Công văn số 4427/BTTTT-CNICT ngày 26/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ đã phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát trực tiếp, thu thập thông tin liên quan đến việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT. Trung tâm Công nghệ Phần mềm Trường Đại học Cần Thơ (CUSC) vinh dự là một trong những doanh nghiệp được Sở Thông tin và Truyền Thông TP. Cần Thơ mời tham dự buổi làm việc với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện khảo sát, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ CNTT của Trung tâm.    Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ trao đổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông   Ngày 05/10/2022 tại CUSC đã tiếp đón Đoàn Công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đến làm việc. Trong buổi làm việc, CUSC trao đổi một số thông tin, về hoạt động sản xuất phần mềm và dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, cung cấp thông tin giá trị doanh thu và trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Việt Nam, trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ từ Việt Nam.    Ảnh lưu niệm chung    Số liệu và thông tin khảo sát được từ CUSC sẽ là một trong những cơ sở để phục vụ mục tiêu xác định tỷ lệ phần trăm giá trị nội địa của các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của các doanh nghiệp mà Bộ Thông tin và Truyền Thông đã đề ra, đồng thời đây cũng là thông tin hỗ trợ các cơ quan quản lý đánh giá, xây dựng quy định ưu đãi cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất tại Việt Nam khả thi, đáp ứng được thực tiễn phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT Make in Viet Nam.  
01-01
 
Ngày 10/9/2022 vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, Lễ công bố và vinh danh Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 đã diễn ra thành công với sự góp mặt của hơn 400 đại biểu, khách mời. Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và được đăng tải trực tiếp trên Tạp chí Nhịp Sống Số, trang chủ Chương trình top10ict.com, Fanpage và kênh Youtube của VINASA. Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho biết: "Dù tình hình thế giới phức tạp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam lại đang có được bước phát triển rất mạnh mẽ, với các dự đoán tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế. Tiến trình chuyển đổi số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam. Các Doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế". Sau hơn 2 tháng phát động, chương trình đã tiếp nhận 147 đề cử trong 20 lĩnh vực đến từ 92 doanh nghiệp trong cả nước. Với những giải pháp tiêu biểu và mang lại những lợi ích thiết thực trong lĩnh vực Chính phủ số, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ (CUSC) vinh dự trở thành đơn vị thuộc TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022. Ông Lê Hoàng Thảo - Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ nhận giải TOP 10 Doanh nghiệp cung cấp Giải pháp Chính phủ số Theo VINASA, Top 10 Doanh nghiệp CNTT tại mỗi lĩnh vực được vinh danh là những Doanh nghiệp có năng lực kỹ thuật công nghệ cao và đạt kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng trong năm 2021, đồng thời các Doanh nghiệp này sẽ là những hạt nhân góp phần củng cố vị thế, xây dựng và đẩy mạnh thương hiệu CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Những giải pháp phần mềm tiêu biểu của CUSC nhận được sự tin cậy và đánh giá cao của người dùng, được kể đến như:  •  Phần mềm ISO điện tử (CUSC-ISOO)  •  Phần mềm Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến (CGATE)  •  Cổng Dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, thành phố (CUSC-PSIPortal)  •  Hệ thống thông tin Quản lý Giáo dục (CUSC-UIIS) Hơn 21 năm trong lĩnh vực CNTT, CUSC luôn đồng hành cùng với sự phát triển của đối tác, khách hàng bằng Niềm tin - Đam mê - Trách nhiệm. Với khẩu hiệu Chất lượng là hàng đầu, CUSC cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng.
01-01
 
Ngày 04/04/2022 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến tham quan và làm việc với Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Công nghệ phần mềm về việc áp dụng phần mềm ISO điện tử trong hành chính công. Về phía Đại học Cần Thơ và Trung tâm Công nghệ phần mềm có sự tham dự của GS. TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ông Lê Hoàng Thảo - Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm; đại diện đoàn công tác Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng, ông Nguyễn Quốc Thủy - Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp Quy cùng tham gia buổi thảo luận chung. Trước đó, tại Lễ Công bố áp dụng "Hệ thống phần mềm ISO điện tử theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh" do Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường Đại học Cần Thơ xây dựng và triển khai được tổ chức ngày 12/03/2022 vừa qua tại TP. Hạ Long, Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá: "Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước đã áp dụng, bao gồm cả 177 xã là đối tượng khuyến khích áp dụng". Việc đến tham quan và làm việc với Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Công nghệ phần mềm sẽ là cầu nối quan trọng để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả áp dụng ISO điện tử trong hành chính công tại các địa phương trong thời gian tới. Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Đại học Cần Thơ và Trung tâm Công nghệ phần mềm cùng trao đổi về việc áp dụng ISO điện tử trong hành chính công Trong buổi làm việc, các bên cùng tham gia trao đổi và thảo luận về sự cần thiết triển khai phần mềm ISO điện tử tại các cơ quan nhà nước trong thời kỳ Chuyển đổi số; so sánh ISO điện tử và ISO bản giấy trước đây; sự phù hợp ISO điện tử với TCVN ISO 9001 trong việc xây dựng và áp dụng duy trì cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan nhà nước; cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Trung tâm công nghệ phần mềm về những khó khăn và vướng mắc trong quá trình xây dựng ISO điện tử để phù hợp TCVN 9001 trong các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Trung tâm Công nghệ phần mềm cùng chụp ảnh lưu niệm Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường Đại học Cần Thơ (CUSC) là đơn vị xây dựng và triển khai thành công Hệ thống phần mềm ISO điện tử tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Ninh,... Giải pháp Hệ thống phần mềm ISO điện tử (CUSC-ISOO) là giải pháp phần mềm tiêu biểu được Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong các cơ quan Nhà nước theo Thông tư số 40/2020/TT-BTTTT ban hành ngày 30/11/2020. Việc triển khai Hệ thống phần mềm ISO điện tử sẽ đảm bảo cung cấp cho tất cả các cơ quan hành chính tỉnh (từ cấp tỉnh đến cấp xã) có được Hệ thống ISO điện tử phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và có khả năng kết nối liên thông với hệ thống Chính quyền điện tử để giải quyết TTHC cấp độ 3 và 4, phục vụ quá trình Cải cách hành chính phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cung cấp dịch vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và trao đổi văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Quy trình công việc được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tham gia quy trình. Đặc biệt, phần mềm ISO Điện tử giúp lãnh đạo có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng cá nhân trong từng đơn vị, phòng ban./.
07-04
 
Tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng thành công hệ thống ISO điện tử theo TCVN 9001:2015 vào 227 cơ quan hành chính nhà nước từ tuyến tỉnh đến cấp xã. Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu ấn nút công bố vận hành hệ thống phần mềm ISO điện tử.   Việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 sang hình thức điện tử, thực hiện trên môi trường mạng sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và trao đổi văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Quy trình công việc được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tham gia quy trình. Đáng chú ý, người dân có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.   Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh việc chuẩn hóa và áp dụng ISO điện tử vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của Tỉnh.   Trong thời gian tới, để đảm bảo công tác vận hành, duy trì, cải tiến và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống hơn nữa, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc để thay đổi thói quen, cách làm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức. Bởi chuyển đổi số phải đi cùng với chuyển đổi về tư duy, văn hóa.     Ảnh minh họa   Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước đã áp dụng, bao gồm cả 177 xã là đối tượng khuyến khích áp dụng.   Để vận hành, áp dụng hiệu quả hệ thống này, ông Linh cho rằng, đối với các cán bộ công chức ở các cấp phải hiểu được phần mềm, hiểu được những thay đổi của văn bản mới, nắm bắt rất rõ cách thức vận hành. Thậm chí là chủ động để thấy còn những tồn tại, bất cập để phản ánh đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quảng Ninh, góp phần cải tiến phần mềm này, phục vụ người dân tốt hơn.   Được biết, quá trình xây dựng, vận hành hệ thống, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện để không ngừng theo dõi, nâng cấp phần mềm, tích hợp với các nguồn dữ liệu khác của quốc gia, của tỉnh; đánh giá được mức độ thực hiện, triển khai của 227 đơn vị. Đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp triển khai áp dụng ISO điện tử.   Trước đó, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 227 cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã hoàn thành việc chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản TCVN ISO 9001:2015, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành chuyển đổi sang phiên bản TCVN 9001:2015 (bản giấy). Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
01-01
 
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị công bố áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 (gọi tắt là ISO điện tử) vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công hệ thống ISO điện tử vào 227 cơ quan hành chính nhà nước từ tuyến tỉnh đến cấp xã. Điều này, một lần nữa cho thấy, sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong thực hiện chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số. Chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC   Nhằm chuẩn hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành việc chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản ISO 9001:2015. Thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc chuyển đổi đối với 227 cơ quan, đơn vị so với quy định của Bộ KH&CN. Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mới, các quy trình quản lý, giải quyết các TTHC đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Khi các TTHC được chuẩn hóa bằng quy trình ISO, kết hợp với hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh đã đảm bảo cho việc giải quyết TTHC đối với các tổ chức, công dân được công khai, minh bạch, đúng thời gian, tránh sự phiền hà cho người dân. Đây cũng là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, đưa Quảng Ninh trong 4 năm qua luôn đứng đầu cả nước về các chỉ số: PCI, DDCI, SIPAS, PAPI...   Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, phiên bản ISO 9001:2015 (bản giấy) vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Từ đó, dẫn đến tình trạng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, bộ phận cán bộ ngại thực hiện các quy trình. Một phần là do công việc chuyên môn phức tạp, mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, sự liên kết của hệ thống theo tiêu chuẩn ISO giữa cơ quan này với cơ quan khác trong liên thông chưa chặt chẽ. Một phần khác là do việc quản lý theo hình thức ISO thủ công còn rất nhiều nhược điểm. Để quản lý theo ISO, mọi vị trí trong quy trình đều xác nhận một cách thủ công thời điểm bắt đầu và kết thúc công việc. Vì vậy, mỗi loại hình công việc đều phát sinh theo một biểu mẫu.     Cán bộ Trung tâm Hành chính công TX Quảng Yên hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ hành chính. Ảnh: Cao Quỳnh   Nhận xét về những nhược điểm của ISO thủ công, ông Nguyễn Hoàng Thiện, Chánh Văn phòng UBND TX Đông Triều, cho biết: Do kiểm soát thông tin thủ công nên chỉ những người trong quy trình mới biết được tình trạng thực hiện công việc của các công đoạn, không thể tra cứu, tổng hợp thông tin về tình trạng công việc. Bên cạnh đó, tài liệu về ISO rất nhiều nên không ai có thể nhớ hết để thực hiện trong lĩnh vực của mình.   Cũng đồng quan điểm này, ông Bùi Đức Anh, Trưởng Phòng TN&MT TP Uông Bí, cho rằng, với một nền hành chính luôn thay đổi, các nghị định, thông tư ra đời liên tục thì biểu mẫu và các quy trình soạn thảo khi xây dựng ISO sẽ nhanh chóng lạc hậu, không theo kịp thực tế. Đặc biệt là cơ chế kiểm soát thường xuyên và xử phạt khi không thực hiện theo đúng quy trình hầu như không được xây dựng và áp dụng.   Đầu tư cho sự phát triển     Không chỉ là tỉnh đầu tiên trong miền Bắc triển khai áp dụng ISO điện tử, Quảng Ninh còn là tỉnh có số lượng cơ quan hành chính nhà nước nhiều nhất áp dụng hệ thống này.   Với mục tiêu đảm bảo cho tất cả các cơ quan hành chính của tỉnh có được hệ thống ISO điện tử phù hợp tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 và có khả năng kết nối liên thông với hệ thống chính quyền điện tử để giải quyết TTHC cấp độ 3, 4, Sở KH&CN đã tiến hành khảo sát và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng CNTT trong triển khai hệ thống phần mềm ISO điện tử. Qua thời gian khảo sát năm 2020 và triển khai năm 2021, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của miền Bắc áp dụng thành công hệ thống ISO điện tử.   Triển khai thực tế cho thấy, ISO điện tử rất dễ dàng cập nhật những thay đổi về quy trình, biểu mẫu nhằm đáp ứng biến động thực tế. Khi có sự thay đổi, việc phổ cập quy trình mới, biểu mẫu mới được thực hiện hoàn toàn tự động. Hệ thống ISO điện tử còn có khả năng đồng bộ, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm đang vận hành trên hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; kết nối liên thông với hệ thống văn bản điện tử của các cơ quan và hệ thống một cửa điện tử để phục vụ công tác cải cách hành chính. Hoạt động quản lý tài liệu, hồ sơ được thực hiện một cách nền nếp.     Sở KH&CN tổ chức khoá đào tạo chuyên sâu về hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho cán bộ quản lý, thư ký ISO tại các cơ quan nhà nước của tỉnh.   ISO điện tử cũng giúp lãnh đạo các đơn vị xử lý công việc được nhanh hơn, kiểm tra được quy trình thực hiện thông qua chế độ thông tin báo cáo rõ ràng, đầy đủ; cung cấp cách nhận biết, phát hiện, truy tìm được nguồn gốc sai sót, ngăn ngừa sự tái diễn. Các bộ phận đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định đã ban hành. Mọi sự thay đổi đều phải được ban lãnh đạo đơn vị xem xét và thông qua.   Điều này, đã giúp trình độ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt, chất lượng công việc được cải thiện đáng kể. Quan trọng nhất là người dân có thể kiểm soát chất lượng, kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.     Các đại biểu ấn nút công bố vận hành hệ thống phần mềm ISO điện tử.   Nhìn lại quá trình Quảng Ninh triển khai từ Hệ thống ISO 9001:2008 cho đến ISO 9001:2015 và hiện là ISO 9001:2015 điện tử cho thấy, tỉnh đang có những bước đi mang tính đột phá trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.   Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc áp dụng ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), khẳng định: Việc Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của miền Bắc áp dụng thành công ISO điện tử đã cho thấy Quảng Ninh đang đáp ứng mạnh mẽ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và rất phù hợp với quan điểm của Chính phủ đó là: Việc đầu tư không ngừng cho cải cách hành chính là sự đầu tư không ngừng cho sự phát triển. Điều này cũng giúp “giải mã” những thành công của tỉnh trong thời gian qua. Nguồn: Theo Hoàng Nga, Báo Quảng Ninh
05-05
 

[X] Đóng
Can Tho University Software Center
Văn phòng:  
+ Địa chỉ: 01 Lý Tự Trọng, Phường An Phú, Quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ
+ Điện thoại: +84 292 3731072
+ Fax: +84 292 3731071
+ Email: cusc.sales@ctu.edu.vn
+ Website: http://cuscsoft.com/
Vui lòng điền thông tin vào các ô bên dưới và gửi cho chúng tôi:
Tên
  •  
Email
Địa chỉ
Điện thoại
Nội dung
Mã xác nhận Verify Verify